Chủ Nhật, 19 tháng 1, 2014

Một số nhà tuyển dụng đôi khi quá tin vào “phép màu” kinh nghiệm của ứng viên, cho rằng nếu ứng viên có bề dày kinh nghiệm liên quan đến lĩnh vực cần tuyển dụng, họ có thể bắt tay vào làm ngay, hòa nhập công việc mới dễ dàng, không phải mất nhiều thời gian, công sức và tiền bạc để đào tạo và huấn luyện hội nhập.

Điều này không sai. Trong giai đoạn đầu khi ứng viên bước vào làm việc, phương pháp tuyển dụng này tỏ ra rất hiệu quả. Bằng kinh nghiệm tích lũy trong quá khứ, nhân viên mới có thể bắt tay vào làm ngay, thích ứng với môi trường mới và chứng tỏ khả năng phù hợp với công việc được giao. Và nhà tuyển dụng sẽ thở phào nhẹ nhõm vì đã tìm đúng người đúng việc.

Nhưng liệu về lâu về dài nhà tuyển dụng có còn thở phào nhẹ nhõm được hay không khi phải là người đi giải quyết các vấn đề là hệ quả của việc tìm đúng người đúng việc ấy? Và liệu đây có phải là lỗi của nhà tuyển dụng? Hay nhìn sâu hơn, đó là hệ quả của một nền giáo dục “lệch” ngay từ bậc phổ thông?

Đơn cử một trường hợp, trong các công ty/ tổ chức tuyển dụng các vị trí liên quan đến các vấn đề xã hội, trình độ, kinh nghiệm và kiến thức xã hội là điều được xét đến đầu tiên khi sàng lọc ứng viên. Nếu chuyên ngành đào tạo ở bậc Cao đẳng / Đại học hoặc các chứng chỉ đạt được liên quan đến lĩnh vực cần tuyển dụng, thì ứng viên đó đã được một điểm A+. Nếu ứng viên có kinh nghiệm làm việc ở những công ty/ tổ chức liên quan đến lĩnh vực cần tuyển dụng, ứng viên đó tỏ ra là một trong những ứng viên sáng giá và chắc chắn sẽ có cơ hội rất cao lọt qua vòng sơ tuyển. Các nhà tuyển dụng, đọc đến đây có thể nói rằng, không, tôi cũng tạo cơ hội cho các ứng viên trái ngành hoặc không có kinh nghiệm chứ, miễn là họ có tiềm năng.

Giả sử, công ty/ tổ chức cần tuyển quản lý cấp trung cho một dự án xã hội. Tiêu chí mà nhà tuyển dụng đưa ra đối với vị trí này là:

- Tối thiểu có bằng cử nhân về chuyên ngành xã hội học và có tối thiểu 5 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực có liên quan;
- Có khả năng lập ngân sách và quản lý theo dõi việc thực hiện ngân sách;
- Có khả năng quản lý thời gian, quản lý công việc và lãnh đạo nhóm
- …..

Ứng viên có kinh nghiệm trái ngành đó – giả sử anh ta có bằng cấp và kinh nghiệm nào đó liên quan đến kinh tế chứ không phải liên quan đến xã hội - lọt vào vòng sơ tuyển của Bộ phận nhân sự, và đến phần phỏng vấn về chuyên môn của người quản lý trực tiếp về chuyên môn. Cô/ Anh ta sẽ phải chọi với khoảng 3-4 ứng viên “sáng giá” hơn mình. Người quản lý trực tiếp về chuyên môn liệu có chọn anh ta nếu như:

A. Anh ta tỏ ra có khả năng ngang bằng với các ứng viên khác
b. Anh ta tỏ ra ít am hiểu và cập nhật về lĩnh vực cần tuyển dụng so với các ứng viên khác

Ở trường hợp b, chắc chắc cô/anh ta sẽ bị loại ngay tức khắc. Một người không am hiểu và không cập nhật kiến thức như thế thì làm sao làm được việc? Ở trường hợp a, nhà quản lý trực tiếp sẽ cân nhắc, ồ, cô/anh này cũng hiểu biết khá đấy, cô/ anh ta có khả năng lập ngân sách tốt – dân kinh tế mà, nhưng nếu tuyển cô/anh ta vào, phải mất khá nhiều thời gian để đào tạo cô/anh ta, để cô/anh ta có thể nắm bắt và theo kịp được công việc. Mà công việc này không cho phép nhiều thời gian chờ đợi, cần phải có người làm ngay. Hơn nữa, tại sao ứng viên này không tiếp tục theo đuổi những công việc mà anh ta quen thuộc và có lợi thế mà lại ứng tuyển và một vị trí “quay ngoắt 180 độ” thế này? Vậy liệu anh ta có cam kết làm việc lâu dài ở đây hay không? Chỉ một buổi phỏng vấn chưa đủ hiểu được động cơ làm việc và cam kết của ứng viên. Thôi để “chắc ăn”, theo kiểu ăn chắc mặc bền ông bà xưa hay dạy, chọn ứng viên có kinh nghiệm chắc tốt hơn, dù có thể ứng viên này không có kinh nghiệm về lập ngân sách và quản lý ngân sách lắm, nhưng từ từ “chắc” họ sẽ học được.

Vậy thì, nhân viên có chuyên môn và kinh nghiệm liên quan đến xã hội học đó, khi bắt tay vào làm việc, chừng một hoặc hai tháng đầu, rất có hiệu quả. Tuy nhiên, khi “đụng” đến các vấn đề tài chính, lập ngân sách, quản lý ngân sách, điều chỉnh ngân sách cộng với việc quản lý thời gian và quản lý công việc không được tốt, nhân viên này bỗng rơi vào một mớ bòng bong, và thấy “đuối” bởi phải xử lý những công việc đáng ghét như thế. Và việc nhân viên này không xử lý tốt các vấn đề tài chính và ngân sách dẫn đến một loại mâu thuẫn – ban đầu chỉ hơi “be bé” với bộ phận thu mua và với bộ phận tài chính kế toán. Mâu thuẫn be bé này, nếu không được giải quyết triệt để, và nếu như công ty / tổ chức không có kênh giao tiếp tốt giữa các bộ phận, sẽ trở thành mâu thuẫn lớn và ảnh hưởng trực tiếp đến chính bộ phận của họ và ảnh hưởng gián tiếp đến các bộ phận khác, chưa kể đến việc cấp trên và bộ phận nhân sự phải “đau đầu” để tìm ra cách giải quyết mâu thuẫn giữa các bên này.

Nhưng liệu việc tuyển ứng viên kinh tế đã bị đánh rớt ở trên vào liệu có tốt hơn không? Hay chỉ một, hai tháng lại “vẫy tay chào”? Giả sử, ứng viên chuyên ngành kinh tế, không có kinh nghiệm xã hội học được tuyển vào vị trí đó, chắc chắn trong giai đoạn đầu, cô/ anh ta sẽ khá lúng túng để làm quen với công việc mới, để học hỏi, để quan sát. Nhưng nếu cho thời gian học hỏi và đào tạo, cô/ anh ta có thể làm được việc? Liệu điều này có xảy ra không? Hay chỉ là nhìn nhận mang cảm tính và thiên vị?

Hãy trở lại những năm học phổ thông, khi bạn học lớp 9, một mốc đánh dấu lựa chọn quan trọng đầu đời. Lúc này, giống như đội Chiếc nón phân loại ở trường Hogwarts trong truyện Harry Potter, bạn có xu hướng chọn chuyên ban mà bạn có thế mạnh. Giả sử bạn giỏi môn Toán, chắc chắn bạn chẳng dại gì chọn khối C để học. Và nếu bạn chỉ có thế mạnh học thuộc bài cùng các ưa thích các kiến thức xã hội khác, bạn sẽ chẳng bao giờ “đủ can đảm” để đăng ký học các lớp chuyên ban A.

Khi đã yên vị ở một lớp chuyên ban nào đấy rồi, bạn nhớ chứ, nếu bạn học chuyên ban C, chương trình học của bạn dày đặc những môn xã hội, thêm vào môn Triết nữa. Còn các môn như Toán, Lý, Hóa thì rất ít tiết học, sách cũng rất mỏng, và nếu bạn có không hiểu lắm, thì khi bạn trưng ra các quyển sách dày cộp các môn Văn, Sử, Địa, rồi “ỉ ôi”, tụi em học mấy môn này cực lắm Thầy/ Cô ơi. Thế là chẳng Thầy Cô nào đành lòng cho học trò mình điểm quá thấp, chí ít thì cũng dễ dãi cho điểm đủ để qua môn, ôi trời tội nghiệp, học sinh chúng nó đã cực với mấy môn đó lắm rồi. Và thế là kiến thức các môn tự nhiên của bạn, qua những năm lớp 11 và   nhân sựở đây12, đã ít lại càng thêm ít. Đồng nghĩa với nó là việc bạn sử dụng bán cầu não phải nhiều hơn và bán cầu não trái của bạn ngày càng tê liệt.

Nếu bạn học chuyên ban A, bạn cũng ngán các môn xã hội lắm chứ, nhưng bạn có thể học được. Bạn thử nhớ lại, có không ít những học sinh cùng lúc giỏi cả Toán lẫn môn Văn. Tuy nhiên, những học sinh này, khi chọn trường để thi Đại học, hiếm khi chọn ngành xã hội để học, bởi đã được cha mẹ, người thân cảnh báo, học mấy cái ngành xã hội đó ra "khó kiếm việc làm lắm con ơi…"

Và có thể thấy trước được, những học sinh chuyên ban C, D thường thi vào các trường Đại học chuyên ngành xã hội. Và ở bậc Đại học, các sinh viên Đại học này lại được nhồi nhét những kiến thức rời rạc của môn này môn khác, và không có khả năng để bao quát, để kết nối những mảng kiến thức riêng lẻ đó thành một sơ đồ kiến thức tổng quát cho riêng mình.

Một điểm khác biệt của giáo dục Việt Nam với các nền giáo dục khác mà đã được các nhà nghiên cứu chỉ ra, đó là những người giỏi các môn xã hội ở nước ngoài đồng thời là những người khá giỏi các môn tự nhiên. Nghĩa là họ được cung cấp một nền giáo dục “đủ” cả về tự nhiên lẫn xã hội. Đơn cử trong lĩnh vực văn chương, có thể thấy Janusz L. Wisniewski, tác giả của quyển tiểu thuyết nổi đình nổi đám “Cô đơn trên mạng”, trước khi bắt đầu sự nghiệp văn chương, ông là nhà khoa học với bằng Cử nhân kinh tế, tiến sỹ Tin học, Tiến sỹ khoa học về hóa học. Cũng như Marc Levy, nhà văn người Pháp gốc Do Thái, tác giả hàng loạt tiểu thuyết Best Seller như “Nếu em không phải một giấc mơ”, “Gặp lại”…, trước khi bắt tay vào viết tiểu thuyết, ông là người đã đặt nền tảng cho hai công ty - 1 đặt cơ sở tại California và 1 ở Colorado - chuyên về đồ họa tin học. Vào năm 1991, ông hợp tác lập ra một công ty thiết kế và xây dựng Eurythmic-Cloisele ở trong nước mà sau này đã trở thành một trong những hãng kiến trúc dẫn đầu ở Pháp.

Vậy là từ việc học lệch ở bậc phổ thông, những sinh viên ngành xã hội này không hoặc ít có khả năng làm việc với những con số, cộng với việc giáo dục Đại học Việt nam ít chú trọng đến các kỹ năng như quản lý thời gian, quản lý công việc, các sinh viên này ra trường chỉ được trang bị một mớ kiến thức xã hội hỗn độn, bắt đầu đi tìm việc làm.
Và sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành xã hội đó, sau vài năm làm việc, nếu không tự học hỏi, không tăng cường khả năng tư duy, không sử dụng các phương pháp để kích thích bán cầu não trái, trở thành một người như ta có thể thấy ở phần trên, không có khả năng xử lý các vấn đề về ngân sách và tài chính.

Vậy thì tới đây, bạn – với tư cách là nhà tuyển dụng, có thể nói rằng, việc này vĩ mô quá, bạn không đủ quyền lực để cải cách toàn bộ hệ thống giáo dục. Bạn nói đúng. Việc này đã có các ban bệ, các nhà cải cách giáo dục lo rồi (và đã lo từ rất lâu nhưng chưa làm được!). Bạn là nhà tuyển dụng, bạn có trong tay quyền và nghĩa vụ của mình, bạn có thể làm gì? Xin thưa, những gì bạn có thể làm là thay đổi lối tư duy thông thường về một ứng viên sáng giá.

Kỷ Yếu Ngày Nhân Sự Việt Nam - Vietnam HRDay

* Tác giả: Ths.Mai Ngọc Diệp - Quản lý Hành chính - Nhân sự - Tổ chức Room to Read

0 nhận xét :

Đăng nhận xét